Viêm nang lông và Nhọt

icon-cart0

                                     
    VIÊM NANG LÔNG VÀ NHỌT

 

1.     Bệnh viêm nang lông

 

       Là phản ứng viêm của một hoặc nhiều nang lông ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, trừ vùng bán niêm mạc và lòng bàn tay, bàn chân. Nếu viêm nang lông xảy ra ở những vùng có lông tóc dài như đầu, râu, lông nách, lông mu thì gọi là viêm chân tóc hay sycosis. Nếu thương tổn ở những vùng lông nhẵn thì gọi là viêm nang lông.

 

Biểu hiện

 

-       Viêm nang lông có thể biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy theo vị trí tổn thương nang lông nông hay sâu.

-       Viêm nang lông nông, viêm cổ nang lông: mụn mủ nhỏ như hạt kê rất nông ở lỗ chân lông, màu vàng nhạt, dễ vỡ để lại vảy mủ hoặc vảy lẫn máu. Bệnh diễn biến thành từng đợt và tự lành sau vài ngày, không để lại sẹo. Vị trí điển hình là ở mặt, da đầu, lông mu, lông nách, nếp bẹn, hai cẳng chân.

-       Viêm nang lông sâu: viêm xâm lấn vào tận cấu trúc nang, khi khỏi có thể tạo thành sẹo lồi hay sẹo teo da, rụng tóc.

            

Căn nguyên

 

-       Phần lớn viêm nang lông là do tụ cầu vàng ký sinh ở trên da, trên các lỗ chân lông, nhưng có thể do một số vi khuẩn khác như vi khuẩn gram âm, Enterobacter klebsiella, Proteus, Pseudomonas aeruginosa hay do nấm men (Candida hay pityrosporum), nấm sợi hoặc virus.

 

Điều trị

 

-       Tại chỗ: Không được nặn mụn mủ, nên chấm tổn thương bằng dung dịch cồn iot 5% hoặc dung dịch betadin.

-       Toàn thân: Có thể uống kháng sinh nhóm β-lactam, cephalosporine, macrolid.

 

Phòng bệnh

-       Loại bỏ chấn thương tại chỗ bằng cách không gãi, không chà xát; không mặc quần áo quá chật; tránh xây xước khi cạo râu...

-       Điều trị các bệnh phối hợp như đái tháo đường, giảm miễn dịch....

-        Rửa tay thường xuyên, giặt quần áo bằng xà phòng tiệt khuẩn.

-       Vệ sinh đúng cách để dự phòng tổn thương lan tỏa và tồn lưu. Nếu tổn thương ở vùng râu thì phải thay dao cạo và cách cạo râu.

 

2.     Nhọt

 

-       Là thuật ngữ dùng để chỉ khi viêm nang lông sâu, viêm quanh nang lông và hoại tử vùng trung tâm nang lông tạo nên ngòi màu vàng.

-       Nhọt rất thường gặp và có thể xuất hiện bất cứ trên vùng nang lông nào của cơ thể, tuy nhiên vị trí thường gặp nhất là mặt, cổ, hố nách, mông, đùi và những vùng da băng ẩm kéo dài.

 

Biểu hiện lâm sàng

 

-       Nhọt có thể biểu hiện lâm sàng bằng nhiều hình thái khác nhau và tùy theo từng hình thái mà bệnh nhân có triệu chứng toàn thân hay không.

-        Nhọt: Tổn thương ban đầu là cục cứng, đỏ, nóng, đau, khu trú ở nang lông, ở giữa có một đốm trắng còn gọi là “ngòi”. Vị trí thường gặp là vùng có lông, đặc biệt vùng cọ sát hoặc ra mồ hôi nhiều như cổ, nách, mông. Sau vài ngày nhọt trở nên mềm hơn, giảm đau và giảm sưng nóng đỏ. Khi vùng trung tâm nhọt mềm hơn, màu thẫm hơn và hơi bùng nhùng (nhọt “chín”) thì nhọt sẽ vỡ mủ, “ngòi” thoát ra ngoài để lại trên nền thâm nhiễm một lỗ nhỏ, dần dần lên da non và lành sẹo.

-       Đa số bệnh nhân chỉ có 1 đến 2 nhọt. Tuy nhiên cũng có người có nhiều nhọt (5-7 cái)

-       Nhìn chung nhọt không có triệu chứng toàn thân. Những người có nhiều nhọt hoặc nhọt ở trẻ em có thể kèm theo sốt, albumin niệu.

           

*Nhọt cụm: là do nhiều nhọt tập trung thành đám tạo thành “tập đoàn” nhọt hay cụm nhọt. Trường hợp này tổn thương thường viêm nặng hơn, lan rộng hơn và thâm nhiễm sâu hơn. Vị trí nhọt cụm thường ở gáy, lưng, đùi. Khi cụm nhọt xuất hiện ở gáy, lưng thì được gọi là “hương sen” hoặc “hậu bối”. Bệnh nhân thường có sốt, đau đầu, mệt mỏi và rất đau, có thể có albumin niệu.

 

-       Bệnh nhọt: là chỉ một người bị nhọt với số lượng nhiều tái đi tái lại nhiều lần hàng tháng, có khi hàng năm không khỏi.

-       Đinh râu: cũng là nhọt nhưng khu trú chủ yếu ở vùng có râu và vùng “bát úp” quanh miệng, chóp mũi. Đinh râu có thể đưa đến viêm xoang tĩnh mạch hang và nhiễm trùng huyết, áp xe não, viêm nội tâm mạc cấp, viêm xương - tủy xương... do vùng này có mạng mạch máu, mạch bạch huyết rất phong phú và liên kết với hệ thống mạch não, vì thế đây là một cấp cứu cần được phát hiện và xử trí kịp thời.

 

Nguyên nhân gây bệnh nhọt và các yếu tố nguy cơ

-       Tác nhân chủ yếu gây ra nhọt là tụ cầu vàng (staphylococcus aureus). Tuy nhiên, nhọt cũng có thể gây nên do các vi khuẩn khác như vi khuẩn gram âm, proteus, pseudomonas aeruginosa... hoặc nấm.

-       Da bị tổn thương do chà xát, cào gãi hoặc tăng tiết mồ hôi, viêm da, nhiễm nấm là cửa ngõ thuận lợi cho việc xâm nhập của vi khuẩn gây ra nhọt.

-       Những người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, chàm cơ địa, viêm thận, suy giảm miễn dịch...là những yếu tố thuận lợi gây nhọt.

 

Tiến triển và tiên lượng

 

-       Nhọt tuy là một bệnh nhiễm khuẩn nhưng nhìn chung là lành tính, bệnh sẽ khỏi trong vòng 3 ngày đến 1 tuần. Một số người nhất là những người ra mồ hôi nhiều, vệ sinh da kém hoặc có bệnh đái tháo đường, bệnh hệ thống, bệnh suy giảm miễn dịch... có thể bị nhọt tái phát nhiều lần và diễn biến phức tạp.

-       Nhọt cụm, đinh râu có thể có biến chứng nặng, xảy ra bất kì lúc nào.

 

Điều trị

-       Tại chỗ: Không được tự nặn phá nhọt khi nhọt đang ở giai đoạn viêm tấy đỏ vì có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây các biến chứng nguy hiểm.

-       Khi số lượng tổn thương nhiều, lan tỏa, “hậu bối”, “đinh râu” hoặc có biểu hiện viêm mạch bạch huyết, viêm mô tế bào hay trên cơ địa người đái tháo đường, bị ở vùng mặt.... cần khám và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

 

Phòng bệnh

-       Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: thường xuyên tắm rửa, thay quần áo lót, khăn, phơi nắng chăn đệm... Khi bị nhọt, giặt sạch đồ dùng cá nhân bằng xà phòng tiệt khuẩn với nước nóng.

-       Tránh cào gãi vết thương, vết xước trên da.

-       Bớt ăn ngọt, ăn đủ chất đạm, bổ sung vitamin A, C. Loại bỏ các yếu tố thuận lợi như đái tháo đường, suy dinh dưỡng, béo phì, suy giảm miễn dịch bao gồm cả HIV/AIDS...

 

 


Tin tức

 HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRỨNG CÁ: Tiến sĩ Hiền chia sẻ những đột phá mới tại Hội thảo Khoa học

HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRỨNG CÁ: Tiến sĩ Hiền chia sẻ những đột phá mới tại Hội thảo Khoa học"

30/08/2024
Tại Hội thảo NEOASIA 2024 vừa qua, Tiến sĩ Hiền đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới về điều trị mụn trứng cá với chủ đề "Hướng tiếp cận mới trong điều trị trứng cá không kháng sinh".
[ HỎI ĐÁP CÙNG BÁC SĨ] Vì sao phải lấy nhân mụn, nhân mụn nào thì nên lấy
Câu hỏi: Em bị mụn viêm, mụn ẩn và có nhân đầu đen, em có nên đi lấy nhân mụn không ạ? Cảm ơn câu hỏi của bạn, Bác sĩ xin được giải đáp như sau:
Bác sĩ - Yếu tố quyết định 80% sự thành công của 1 ca điều trị
Khi điều trị mụn, thâm ngoài những yếu tố về công nghệ, máy móc thì phải quan tâm đến việc lựa chọn đội ngũ bác sỹ
KHÔNG NÊN “XEM REVIEW” RỒI TỰ LÀM BÁC SĨ CHO CHÍNH MÌNH
Bạn tốn nhiều tiền mua những sản phẩm "review" có công dụng thần thánh những mãi vẫn không thấy hiệu quả? Bạn skincare bôi thoa mỗi ngày nhưng mụn vẫn xuất hiện? Bạn đi lấy nhân mụn thường xuyên tại các spa nhưng vẫn không khỏi?
Khai bao y te online
Scroll