QUÁ SẢN TUYẾN BÃ (Sebaceous hyperplasia)

icon-cart0
 

QUÁ SẢN TUYẾN BÃ

(Sebaceous hyperplasia)



1.    Đặc điểm lâm sàng


Quá sản tuyến bã là tính trạng lành tính, hay gặp ở người tuổi trung niên, tuổi già. Thương tổn cơ bản là một hoặc nhiều, rất nhiều sẩn nhỏ, mềm, màu vàng, ánh vàng, trung tâm lõm giữa, tương ứng với lỗ chân lông nơi tuyến bã đổ vào, điển hình là ở da mặt, đặc biệt là vùng mũi, má, trán. Một số thương tổn có hiện tượng tăng sinh mạch. Các sẩn lõm giữa với số lượng ít dễ nhầm với ung thư tế bào đáy. Bệnh có thể gặp cả ở sơ sinh. Ở người lớn, các sẩn đặc trưng của quá sản tuyến bã bắt đầu xuất hiện ở tuổi trung niên, kéo dài cho tới những năm sau đó.

                                             Hình 1: Quá sản tuyến bã


                                                Hình 2: Quá sản tuyến bã


  Hình 3: Hình ảnh chụp dermoscopy - Quá sản tuyến bã


2. Sinh bệnh học


Tuyến bã có mặt ở khắp nơi trên cơ thể, trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân. Chúng tồn tại trong các đơn vị nang lông-tuyến bã, mở trực tiếp ra bề mặt biểu mô. Ở môi chúng có tên gọi là tuyến Fordyce, ở dương vật là tuyến Tyson, ở vú là tuyến Montgomery, ở mí mắt là tuyến meibomian. Các tuyến bã ở vùng mặt, ngực, lưng, mặt ngoài cánh tay có kích thước lớn nhất, mật độ cao nhất.


Tuyến bã rất nhạy cảm với hormon androgen. Mặc dầu số lượng tuyến không thay đổi trong suốt cuộc đời nhưng mức độ hoạt động và kích thước phụ thuộc vào tuổi và nồng độ hormon lưu hành. Các enzym liên quan tới sự chuyển hóa androgen bao gồm 5-alpha-reductase typ 1; 3-beta-hydrosteroid dehydrogenase và 17-beta-hydroxysteroid dehydrogenase. Các enzym này chuyển hóa các loại hormon adrogen lưu hành hoạt lực nhẹ thành các loại có hoạt lực mạnh hơn và gắn vào các thụ thể trên các tế bào biểu mô tuyến bã làm tuyến bã tăng kích thước và tốc độ chuyển hóa. Sự hoạt động của 5-alpha-reductase ở da đầu, mặt mạnh hơn ở các vùng da khác, vì thế testosteron và dihydrotestosteron kích thích tuyến bã ở các vùng da này phát triển nhiều hơn. Estrogen có chức năng giảm bài tiết tuyến bã. Ở trẻ sơ sinh, tuyến bã hoạt động mạnh do ảnh hưởng của hormon từ mẹ, sau một thời gian ngắn sẽ về bình thường. Tới tuổi dậy thì, do tăng sản xuất androgen, tuyến bã  hoạt động mạnh, đạt đỉnh cao nhất ở tuổi 30.


Tuyến bã là tuyến toàn hủy. Các tế bào tuyến bã bắt nguồn từ ngoại vi của tuyến, nơi có các tế bào lớp đáy. Sau đó chúng biệt hóa, trưởng thành, tích trữ số lượng lớn chất béo, di chuyển dần về trung tâm ống tiết. Chúng hoàn thành chu trình sống khi tới trung tâm ống và giải phóng hoàn toàn chất béo bằng cách phân hủy. Khi nồng độ androgen giảm theo tuổi, sự chu chuyển các tế bào tuyến bã bắt đầu suy giảm. Kết quả là các tế bào bị dồn đống lại, làm tăng kích thước tuyến bã. Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn ở các vùng có mật độ tuyến bã cao. Mặc dù tăng kích thước lên tới 10 lần nhưng các tuyến bã bài tiết ít chất béo hơn bình thường, thay vào đó là các tế bào nhỏ chưa biệt hóa với nhân lớn, bào tương ít chất béo.

Quá sản tuyến bã có thể liên quan với việc dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, đặc biệt là ciclosporin A. Nguyên nhân là do thuốc có ái lực cao với lipid. Bệnh thường lành tính ngoại trừ trong hội chứng Muir-Torre, quá sản tuyến bã liên quan tới khối u ác tính. Đây là rối loạn hiếm gặp, di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, trong đó các khối u nội tạng đi kèm với  ung thư tuyến bã, carcinoma tuyến bã và keratoacanthoma. Các khối u nội tạng hay gặp là ung thư đại tràng, ung thư máu.


3. Điều trị

Quá sản tuyến bã không nguy hiểm nên có thể để bệnh tiến triển tự nhiên, không cần can thiệp. Tuy nhiên, bệnh gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Có thể loại bỏ các thương tổn bằng đốt điện hoặc laser bốc hơi. Trong trường hợp nặng có thể sử dụng isotretinoin uống. Khi ngừng thuốc, bệnh tái phát. Ở phụ nữ, bệnh đáp ứng tốt với liệu pháp kháng androgen như thuốc tránh thai hằng ngày; spironolacton 25-200 mg/ngày.



Tin tức

 HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRỨNG CÁ: Tiến sĩ Hiền chia sẻ những đột phá mới tại Hội thảo Khoa học

HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRỨNG CÁ: Tiến sĩ Hiền chia sẻ những đột phá mới tại Hội thảo Khoa học"

30/08/2024
Tại Hội thảo NEOASIA 2024 vừa qua, Tiến sĩ Hiền đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới về điều trị mụn trứng cá với chủ đề "Hướng tiếp cận mới trong điều trị trứng cá không kháng sinh".
[ HỎI ĐÁP CÙNG BÁC SĨ] Vì sao phải lấy nhân mụn, nhân mụn nào thì nên lấy
Câu hỏi: Em bị mụn viêm, mụn ẩn và có nhân đầu đen, em có nên đi lấy nhân mụn không ạ? Cảm ơn câu hỏi của bạn, Bác sĩ xin được giải đáp như sau:
Bác sĩ - Yếu tố quyết định 80% sự thành công của 1 ca điều trị
Khi điều trị mụn, thâm ngoài những yếu tố về công nghệ, máy móc thì phải quan tâm đến việc lựa chọn đội ngũ bác sỹ
KHÔNG NÊN “XEM REVIEW” RỒI TỰ LÀM BÁC SĨ CHO CHÍNH MÌNH
Bạn tốn nhiều tiền mua những sản phẩm "review" có công dụng thần thánh những mãi vẫn không thấy hiệu quả? Bạn skincare bôi thoa mỗi ngày nhưng mụn vẫn xuất hiện? Bạn đi lấy nhân mụn thường xuyên tại các spa nhưng vẫn không khỏi?
Khai bao y te online
Scroll